(Xã Duy Tân cũng như bao miền quê khác của huyện Duy Xuyên, được hình thành và phát triển cùng với chiều dài lịch sử của tỉnh Quảng Nam. Duy Tân là địa bàn khá quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân của huyện Duy Xuyên, là căn cứ bàn đạp của các lực lượng cách mạng. Do vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù tập trung đánh phá ác liệt hòng hủy diệt mọi sự sống trên mảnh đất này. Song, quân và dân xã Duy Tân anh hùng một lòng sắt son, thủy chung với Đảng, với cách mạng, đã trụ bám kiên cường, chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công xuất sắc làm rạng rỡ quê hương, góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Duy Tân được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1978, toàn xã có khoảng 930 liệt sỹ, 255 thương binh bệnh binh, hơn 230 Bà Mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng…Xã Duy Tân có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Bia tưởng niệm thảm sát Nổng sạn, Bia tưởng niệm thảm sát Vinh Cường, Tượng đài chiến thắng Thu Bồn. Nổi bật trong số đó là Bia tưởng niệm Nhà văn, nhà báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sỹ Chu Cẩm Phong và đồng đội. Nơi đây, hơn 51 năm trước, vào ngày 01 tháng 5 năm 1971, trong một cuộc chiến đấu không cân sức với địch, Chu Cẩm Phong cùng 3 chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh tại làng Vinh Cường, thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trên cánh đồng xã Duy Tân, xưa thuộc xã Xuyên Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mấy năm gần đây có một tấm bia ghi lại sự kiện đã xảy ra ngày 01-5-1971. Nội dung tấm bia cho ta biết, trong ngày đó, ở một căn hầm bí mật dưới rặng tre ven suối về phía đông nam nơi đặt bia, từ 10 giờ đến 14 giờ đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa tám cán bộ chiến sĩ với hơn một tiểu đoàn liên quân Việt - Mỹ. Trong trận đó, có bốn người thoát được; bốn người đã hy sinh khi bị lựu đạn ném vào hầm. Đó là hai nữ y sĩ Nguyễn Thị Xuân Ca và Nguyễn Thị Ta đều quê ở Điện Bàn thuộc K650 Ban lương thực tỉnh, anh Nguyễn Tiềm là Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng ban An ninh huyện Duy Xuyên. Người thứ tư, được ghi tên đầu danh sách với nội dung: Nhà văn - Nhà báo Chu Cẩm Phong - Trần Tiến sinh ngày 12-8-1941, quê tại thị xã Hội An. Năm 1954 theo cha tập kết ra miền Bắc, học tại trường miền Nam số 24 Hải Phòng. Từng được cử vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên Việt Nam, ông được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam khi mới 22 tuổi. Năm 1964, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn đại học loại xuất sắc, được nhà trường cử đi học tại nước ngoài nhưng đã xung phong vào miền Nam chiến đấu, vào chiến trường, là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại khu V. Từ 1965 là cán bộ sáng tác, biên tập của Hội Văn nghệ Trung Trung Bộ. Tên tuổi của Chu Cẩm Phong được biết đến nhiều qua cuốn nhật ký ghi lại về cuộc đời ông trong thời gian tham gia kháng chiến, sau này được biết đến với tên gọi Nhật ký chiến tranh (viết từ ngày 11 tháng 7 năm 1967 đến 27 tháng 4 năm 1971) dày hơn 900 trang, được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2000. Sự nghiệp văn học trong hơn 3 năm của Chu Cẩm Phong còn lại nhiều tác phẩm khác như: Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt Biển - Mặt trận, Rét tháng Giêng, Mẹ con chị Hiền. Những tác phẩm này là sự đúc kết những trải nghiệm, hiện thực sống động và khắc nghiệt của chiến trường. Năm 2007, Chu Cẩm Phong được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về văn học - nghệ thuật. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 2010, là nhà văn duy nhất trong lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam được phong tặng danh hiệu cao quý này. Hiện nay, ông được chôn cất ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bản thân cuộc đời chiến đấu và những trang viết ít ỏi của nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong là một cuốn tiểu thuyết sinh động, chân thực và giàu sức sáng tạo. Cuộc đời ấy là sự hóa thân vĩ đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, cùng với những giá trị truyền thống của dân tộc.Bia tưởng niệm được xây dựng năm 2003, do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam quyên góp xây dựng. Sau gần 20 năm xây dựng, bia di tích đã xuống cấp, hư hỏng, UBND huyện Duy Xuyên xây dựng đề án trùng tu, nâng cấp khu tưởng niệm liệt sĩ Chu Cẩm Phong, với tổng kinh phí 1,15 tỷ đồng (năm 2018). Đây là nguồn vốn được đầu tư từ đề án tu bổ, sửa chữa các di tích cấp tỉnh của Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt).
|